THIÊN NHIÊN VÀ NHÂN TẠO
Với sự phát triển của đô thị hiện nay những khoảng không xanh dần dần bị thay thế bởi những khu nhà mới mọc lên. Những thành phố lớn hoàn toàn bị bêtông hoá, cùng với sự tăng trưởng của giao thông mang đến đủ loại ô nhiễm, đó là một vấn đề rất nan giải của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc đưa cây xanh vào trong thành phố là một sự thách thức của thế kỷ 21. Vườn theo chiều đứng là một trong những giải pháp rất ấn tượng. Nó không chỉ còn là hình thức trang trí mà trở thành một phần tử quan trọng trong kiến trúc, cái sẽ cải thiện cuộc sống mới cho con người.
Vườn và quy luật thẳng đứng
Khi nói đến vườn ta nghĩ đến một thửa đất ở bên trong hay bên ngoài trải rộng trên bề mặt đất được giới hạn bởi những tường rào hay những khu đất phân định. Chúng thường được tạo nên bởi hai mục đích: trang trí như vườn hoa cây cảnh hoặc thu hoạch như vườn rau, cây ăn quả. Sự tác động của con người vào thiên nhiên đã tạo cho vườn là một nhân tố đặc trưng cho văn hoá mà nổi bật là các khu vườn của vua chúa. Mỗi quốc gia dân tộc đều tạo cho khu vườn của mình có những nét riêng biệt cùng với những loại cây phù hợp với khí hậu từng vùng.
Ở châu Âu nổi lên có ba loại vườn, vườn của Ý, của Anh và của Pháp. Trong đó, vườn của Pháp có sự tác động của con người rõ nhất. Đó là nghệ thuật thay đổi thiên nhiên hoang dã để áp đặt vào đó sự đối xứng, sự trật tự. Ở đó, ta thấy được sự chiến thắng của ý thức con người trên sự tự phát của thiên nhiên. Khu vườn Versailles ở Paris được xây dựng cho vua Louis thứ XIV là nơi có nhiều sự thử nghiệm nhất được biểu tượng cho vườn của Pháp.
Ở châu Á có hai loại vườn tiêu biểu, vườn của Nhật và vườn của Trung Quốc. Cả hai loại vườn này đều có một điểm chung quan trọng là việc thu nhỏ thiên nhiên vào trong một không gian nhất định để từ đó tạo nên một hình ảnh thiên nhiên lý tưởng mang đầy hình tượng. Nhưng có một điều khác biệt là vườn của Nhật chủ yếu mang tính phong cảnh và có mối liên hệ khăng khít với những không gian kiến trúc xung quanh. Điều đó có thể thấy rõ nhất ở các khu vườn “khô” được tổ hợp bởi đá và sỏi. Ở vườn Trung Quốc, ngoài tính phong cảnh ra nơi đây cũng là chỗ để tản bộ, vui chơi. Nhiều vua chúa tìm đến đây để có được ngẫu hứng viết văn và làm thơ. Vườn Trung Quốc luôn mang hình tượng thiên đường của nhân loại. Theo truyền thuyết cổ Trung Quốc thì thiên đường này trú ngụ ở trên ngọn núi cao và ở các hòn đảo rất xa giữa biển cả, nơi có thể đạt tới sự bất tử. Núi non sông nước là các phần tử quan trọng biểu tượng của vườn Trung Quốc và từ đó cũng giải thích tại sao “hòn non bộ” được nhiều người làm vật trang trí trong nhà.
Khi nói đến vườn theo chiều đứng ta tưởng như có gì đó đảo lộn tự nhiên, thực ra đó chỉ là sự sử dụng một số kỹ thuật mới cho vườn chứ định luật của thiên nhiên hoàn toàn không thay đổi. Mọi cây cối đều mọc vươn lên theo chiều đứng, đó là lẽ tự nhiên khi chúng tìm tới ánh sáng để quang hợp. Đó cũng là định luật của tạo hoá, con người khi còn là loài vượn sử dụng tứ chi để di chuyển nhưng khi trí tuệ phát triển thì đã vươn thẳng lưng đi bằng hai chân. Sự vươn lên theo chiều đứng đã đưa loài người tạo được tất cả mọi tiềm năng và đạt tới đỉnh cao của chu kỳ phát triển.